Đôi điều suy nghĩ về triết lý phát triển của Đại học Quốc tế Bắc Hà

Tác giả: ĐH Quốc tế Bắc Hà

Thiên chức cuả mọi trường đại học ở nước ta là đào tạo ra đội ngũ những người lao động có trình độ đại học, trên đại học với phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Mục tiêu đó đạt được bằng nhiều phương thức, con đường khác nhau và kết quả cụ thể của sản phẩm đào tạo cũng được thể hiện bằng hệ tiêu chí không hoàn toàn như nhau. Đối với Đại học Quốc tế Bắc Hà, hệ tiêu chí mà sản phẩm của trường cần đạt tới là Thành người, Thành tài và Thành đạt. Trên ý nghĩa nhất định, đó là triết lý phát triển của trường. Triết lý đó cần đựơc hiểu như thế nào và bằng cách nào triết lý đó được hiện thực hoá trong cuộc sống ? Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu khác nhau nhằm giải quyết những nhu cầu thực tiễn khác nhau, sẽ có lời giải khác nhau cho hai câu hỏi đó. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận với chúng từ giác độ phương pháp luận chung nhất - một phương thức tiếp cận đặc thù của triết học.

Xuất phát từ giác độ tiếp cận này, chúng ta cần làm rõ những khái niệm cơ bản và mối quan hệ qua lại giữa ba vế tạo thành triết lý phát triển tổng hợp của nhà trường; từ đó, soi rọi vào thực tiễn thời gian qua để đề xuất những giải pháp cơ bản góp phần hiện thực hoá triết lý đó một cách có hiệu quả hơn. Tham vọng thì lớn, nhưng kết quả đạt được rất có hạn, bởi hai lẽ: Một là, độ dài thực tiễn đào tạo cuả trường chưa là bao; hai là, thời gian tác giả bài viết này công tác ở nhà trường lại càng ngắn. C.Mác đã đưa ra một khái quát phương pháp luận quan trọng : Giải phẫu con người là cơ sở để giải phẫu con khỉ– muốn nói rằng, nhận thức sự vật ở trình độ phát triển thuần thục sẽ dễ hơn cho vịêc nhận thức sự vật đang trong quá trình phát triển. Đây là khó khăn không tránh khỏi trong vịêc thực hiện ước nguyện của bài viết. Rất mong bạn đọc thông cảm.

1- Nhận thức về 3 vế tạo thành triết lý phát triển của Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà

a- Thành người

Con người là một động vật xã hội, có khả năng lao động và tư duy. Trong đó :

 

Lao động là hành vi biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người nhằm tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần thoả mãn những nhu cầu nhất định của con người. Để có phát triển bền vững, cả hai quan hệ đó phải mang tính văn hóa - nhân văn: Khai thác tự nhiên nhưng không huỷ diệt tự nhiên, mà trái laị, chính trong quá trình đó, phải góp phần tái tạo tự nhiên làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của thế hệ sau. Khai thác nguồn lực con người cho phát triển hiện tại lại phải tạo tiền đề về nhân tố con người cho sự phát mạnh mẽ hơn trong tương lai. Trình độ văn hóa đó chỉ đạt được ở những người có học vấn cao, ý thức rõ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giải quyết hài hoà giữa sự phát triển của hiện tại với sự phát triển trong tương lai. Giáo dục đại học góp phần đắc lực nhất vào việc tạo ra bộ phận tinh hoa đó trong cộng đồng những người lao động.

 

Tư duy là khái niệm dùng để chỉ giai đoạn nhận thức lý tính ; trên cơ sở thực tiễn và được kiểm chứng bởi thực tiễn, nó có sứ mệnh tạo ra tri thức mới từ những hiểu biết đã có do nhận thức cảm tính mang lại. Tri thức mới đó chỉ đạt tới chân lý, khi nó dựa trên những tài liệu chân thực của nhận thức cảm tính ; khi sự phân tích, tổng hợp, khái quát hoá dựa trên sự vận dụng đúng đắn các quy lụât của tư duy logíc ; khi chủ thể nhận thức có tri thức thực tiễn phong phú với cái tâm trong sáng. Về điểm cuối vừa nêu, chúng ta không ai không biết câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du : Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

 

Cái tâm, cái tầm đó không hình thành tự phát, nó là kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện lâu dài qua nhà trường, qua thực tiễn cuộc sống. Trong ý nghĩa đó, giáo dục ở nhà trường nói chung, ở nhà trường đại học nói riêng có vị trí quan trọng trong việc hình thành cái tâm, cái tầm như thế ở con người.

 

b- Thành tài

 

Trong nghĩa trực tiếp cuả nó, thành tài có nghiã là trở thành người tài giỏi, thành nhân tài.

 

Vấn đề nhân tài, theo GS.VS Phạm Minh Hạc, là vấn đề của mọi thời đại, liên quan mật thiết với tiến bộ xã hội, thành tựu khoa học - công nghệ, kinh tế. Truyền thống trọng dụng nhân tài là một dòng chảy liên tục trong văn hoá, văn minh loài người. Người tài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến hoá nhân loại, dân tộc, cộng đồng. Các cụ xưa (năm 1842) đã khắc sâu trên bia Văn Miếu, Hà Nội một bài học quý báu cho muôn đời: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu. Bởi vậy, “các đường thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên” (Thân Nhân Trung). Vận dụng bài học đó, Nguyễn Huệ năm 1790 trong “Chiếu học” đã khẳng định: “Dựng nước lấy dạy học làm đầu, nước muốn thịnh, lấy nhân tài làm gốc”. Có người hiền tài mà không biết, biết mà không dùng, dùng mà không tín nhiệm, là ba điểm chẳng lành của một quốc gia; làm hại hiền tài, hoạ đến ba đời...

 

Tài năng là một trong những giá trị quý giá nhất của con người và loài người. Một số người lấy bằng cấp là tiêu chí duy nhất để xác định đó là nhân tài. Thực ra, bằng cấp chỉ là tiêu chí phân biệt trình độ học vấn, chư­a phải tiêu chí phân biệt nhân tài. “Nhân tài” là một khái niệm khá phức tạp. Ở Trung Quốc, tiêu chuẩn của nhân tài bao gồm: đức - tài, gồm lòng trung thành với sự nghiệp, tinh thần trung dung (tài quý ở trung hoà).

 

Cũng theo GS.VS Phạm Minh Hạc, nhân tài là người có động cơ vì lợi ích xã hội, cộng đồng, sử dụng tiềm năng và khả năng một cách sáng tạo nhất, tối đa và tối ­ưu, thích hợp nhất vào công việc được nêu ra và giải quyết công việc đó một cách độc đáo, có kết quả và hiệu quả cao, có đóng góp lớn, nổi bật, kiệt xuất cho xã hội. Nhân tài là người thông tuệ, giàu tính sáng tạo, có tâm trong sáng và có một số phẩm chất nổi bật: giàu nghị lực, kiên trì tự học, tự đào tạo, biết phát hiện ra vấn đề mới, đam mê, dũng cảm tìm cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, từ đó, có cống hiến nổi bật cho nhân dân, cho xã hội, được cộng đồng thừa nhận, suy tôn.

 

Muốn là người tài trong một lĩnh vực nào đó, nhất thiết phải có năng lực chuyên biệt tương ứng khá phát triển. Ngoài ra, còn cần một yếu tố không thể thiếu là năng lực sáng tạo - là năng lực tạo ra cái mớiphù hợp với yêu cầu thực tiễn, vượt qua thách thức, bảo đảm sự phát triển.

 

Năng lực con người nói chung, tài năng nói riêng có 3 yếu tố hợp thành: Di truyền và bẩm sinh; hoạt động của bản thân; môi trường sống.

 

c- Thành đạt

 

Theo Đại từ điển Tiếng Việt do GS.TS Nguyễn Như Ý chủ biên, “thành đạt” có nghĩa là “làm nên được sự nghiệp”. Trong thực tế cuộc sống, số người thành đạt không nhiều, bởi lẽ, “thành đạt” được xã hội hiểu không phải là khái niệm dùng để chỉ người đạt mục tiêu phấn đấu, mà phải là người làm nên một sự nghiệp theo nghĩa đạt được kết quả to lớn, đưa người đó đến một nấc thang danh vọng hoàn hảo (uyên thâm về khoa học; giầu có với lượng tài sản khổng lồ và ổn định do làm ăn sáng tạo, chịu thương khó mang lại; đạt cương vị cao trong bộ máy quyền lực bằng con đường chân chính...), người đó được nhiều người ngưỡng mộ, đánh giá cao, noi theo...

 

d- Mối quan hệ giữa “Thành Người”, “Thành Tài”, “Thành Đạt

 

Phù hợp với quan niệm trên đây về “Thành Người”, “Thành Tài”, “Thành Đạt”, từ “Thành Người” đến “Thành Tài” rồi “Thành Đạt” là những nấc thang phát triển mang tính đột biến, tạo ra sự thay đổi về chất ở một con người. Đa số có thể “Thành Người” nhưng chưa hẳn tất cả họ đều “Thành Tài”. Trong số “Thành Tài” chỉ một số “Thành Đạt”. Bởi lẽ, tiêu chí đánh giá, nhân tố tạo thành các vị thế đó tuy có một số điểm chung, nhưng có không ít điểm khác nhau. Nhìn chung, từ “Thành Người” đến  “Thành Tài” rồi từ “Thành Tài” đến “Thành Đạt” ngày một khó hơn, điều kiện đạt được hiếm hoi hơn. Nếu hiểu với những tiêu chí như nêu ở các điểm a, b, c thì đạt được nấc thang trước là tiền đề để đi tới nắc thang sau. Song, khi xã hội phát triển không bình thường, nhiều quan niệm đánh giá bị biến dạng và lệch lạc, thì một ai đó là “Thành Tài” chưa hẳn đã là “Thành Người”; tương tự, một cá nhân nào đó đựơc xem là “Thành Đạt” chưa hẳn đã là “Thành Tài”, thậm chí đã là “Thành Người” theo đúng nghĩa chân chính của những khái niệm đó. Chẳng hạn, khi xã hội thừa nhận: “văn hay chữ tốt không bằng thằng dốt lắm tiền” thì một kẻ thành đạt bằng con đường mua quan bán tước nhờ đồng tiền do tham nhũng mà có, về hình thức, họ là người thành đạt theo chuẩn mực đã bị biến dạng như nêu trên, nhưng thực tế, kẻ đó chưa thành người với nghĩa lành mạnh, đúng đắn cuả từ đó.

2- Động cơ học tập để vươn tới mục tiêu Thành NgườiThành TàiThành Đạt

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, từ cuối thế kỷ XX đến nay, người ta rất quan tâm đến câu hỏi: Học để làm gì? Nhiều người đã dày công nghiên cứu và cho rằng nền giáo dục hiện đại phải làm cho học sinh thấm nhuần động cơ học tập là: học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để tự khẳng định mình. Từng khía cạnh của động cơ đó được hiểu như sau:

 

Học để biết tức là người học phải được trang bị đầy đủ kiến thức, có năng lực sử dụng kiến thức đã được học như công cụ để tiếp tục khám phá, tiếp nhận kiến thức mới. Muốn học để biết, người học phải được rèn luyện ngay từ mầm non ba năng lực cơ bản là học tập, ghi nhớ và tư duy. Bên cạnh đó, cần trang bị từng bước hệ thống các phương pháp, kỹ năng làm việc một cách hợp lý. Từ bậc trung học và nhất là đến bậc cao đẳng, đại học, điều rất quan trọng là phải giảng dạy phương pháp nghiên cứu khoa học để người học có khả năng tự học, tự nghiên cứu, chuẩn bị cho việc học tập suốt đời.

 

Học để làm là ứng dụng các tri thức đã học vào cuộc sống một cách sáng tạo và có hiệu quả. Đó cũng là học đi đôi với hành, gắn lý thuyết với thực tiễn; là thực hiện quan điểm thực tiễn trong giáo dục: nhà trường cung cấp những gì mà xã hội cần. Bước chuyển của xã hội từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh hậu công nghiệp buộc con người phải làm việc khác trước, toàn bộ nền giáo dục phải được tái cấu trúc lại, trước hết là về nội dung chương trình, mới đảm bảo được yêu cầu học để làm.

 

Học để cùng chung sống là giáo dục cho mọi người tinh thần khoan dung, hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các cộng đồng người, nhất là khi giữa các cộng đồng ấy có khác biệt, mâu thuẫn, xung đột… Đó là một nền giáo dục trang bị cho người học tâm thế và năng lực đối thoại, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt và hội nhập với thế giới rộng mở.

 

Học để tự khẳng định mình là học để làm người, là biến quá trình giáo dục thành quá trình hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người. Giáo dục phải góp phần xứng đáng vào sự phát triển toàn diện của mỗi cá thể cả về trí tuệ, đạo đức, tâm lý, tình cảm, tinh thần, phong cách, thể chất... Nền giáo dục của thế kỷ XXI phải tạo điều kiện cho mỗi con người phát triển tài năng của mình, tăng cường tính chủ động, dám nghĩ, dám làm để tự khẳng định mình.

 

3- Nhìn lại thực trạng đào tạo của Đaị học Quốc tế Bắc Hà trên con đường hiện thực hoá triết lýThành NgườiThành TàiThành Đạt

 

Là một trường đại học mới có 3 tuổi đời, chưa có sinh viên ra trường, nói gì mang tính định lượng về việc hiện thực hoá triết lý phát triển nêu trên còn là quá sớm và chưa có sở sở thực chứng. Song, qua những gì nhà trường đã làm trong 3 năm đó cũng ít nhiều có sơ sở cho sự dự báo triển vọng hiện thực hoá triết lý phát triển đó.

 

Phấn đấu theo hướng quốc tế hoá trình độ đào tạo, nhà trường đã nỗ lực tìm đối tác liên kết đào tạo và thực sự đã đạt một số kết qủa bước đầu với nhiều hứa hẹn tích cực: Đã ký hợp tác đào tạo với Đại học Griffith của Auxtralia; đã có giáo viên người Canada và hàng năm có trên 3 giáo viên thỉnh giảng là người nước ngoài giảng dạy tại trường; đã sử dụng hơn 10 giáo trình của cá nhân và trường đại học nước ngoài có uy tín làm                                  chương trình chính khoá cho sinh viên;...

 

Trong đội  ngũ giáo viên, có 22% là giáo sư, 11% là phó giáo sư, số còn lại là tiến sĩ, thạc sĩ. Hầu hết họ là giáo viên giỏi, giáo viên ưu tú đã và đang giảng dạy ở nhiều Học viện, trường đại học có uy tín ở Hà Nội.

 

Về phương pháp giảng dạy: 100% giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực.

 

Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên đựơc thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, cho phép nắm đúng thực chất năng lực của sinh viên. Tuyệt đối không có tình trạng “chạy điểm”. Là một trường đại học tư thục, nhưng đã có tới 6% sinh viên bị buộc thôi học vì chất lượng của các em không đạt yêu cầu của nhà trường.

Về cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện học tập của sinh viên, điều kiện giảng dạy của giảng viên: 100% giảng đường đựơc trang bị phương tiện giảng dạy tiên tiến (projector; bảng kéo, bảng gim, giấy màu...) thuận tiện cho cả thuyết trình và trao đổi nhóm.

 

Mặc dù có sự đánh giá nghiêm túc - nghiêm ngặt, nhưng số sinh viên giỏi vẫn đạt  4,7%, xuất sắc 0,7%.

 

Những nỗ lực bước đầu nêu trên mang lại nhiều hứa hẹn cho triển vọng phát triển của trường, và có cơ sở để tin trằng triết lý phát triển mà nhà trường nêu ra sẽ đạt được đối với phần lớn sinh viên do trường đào tạo.

 

Tuy nhiên, qua 3 năm cũng cho thấy còn không ít vấn đề cần chấn chỉnh. Một là, tinh thần ham học hỏi ở một bộ phận sinh viên còn thấp. Hai là, việc rèn luyện phương pháp học tập sáng tạo để từng bước chuyển từ đào tạo sang tự đào tạo còn chưa có bước chuyển mạnh. Ba là, công tác quản lý sinh viên trong điều kiện học theo tín chỉ còn thiếu kinh nghiệm. Bốn là, sinh hoạt ngoại khoá chưa đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Năm là, tuy đã được lựa chọn cẩn thận, nhưng chất lượng giảng dạy của giáo viên chưa thật đồng đều. Sáu là, việc quốc tế hoá một số đơn vị kiến thức giảng dạy trong trường còn nhiều khó khăn, bất cập. Bảy là, một số sinh viên còn chưa có động cơ học tập tích cực, tình trạng học vì bố mẹ còn hiện diện ở một bộ phận không nhỏ sinh viên...

 

4- Một số đề xuất

 

Không có khả năng đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết từng vấn đề nêu trên, đứng vững trên giác độ triết học - phương pháp luận, chúng tôi xin đề xuất một số vấn đề mang tính nguyên tắc làm cơ sở cho việc xác định các giải pháp cụ thể.

 

Một là, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa tổng thể  cá thể. Nhà trường cần làm thế nào để đào tạo mỗi sinh viên thành một con người, ở đó hội tụ hài hòa tính cách chung của con người trong thế giới hiện đại và tính cách riêng của mỗi cá nhân người cụ thể-con người Việt Nam, nhỏ hơn nữa là các cá thể sinh viên cụ thể với nhiều nét khác biệt về năng lực tư duy, phương pháp học tập và rèn luyện...Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục mang tính đại trà theo lớp, theo khoá học với giáo dục cá biệt. Điều này đòi hỏi ở nhà trường nói chung, ở giáo viên nói riêng sự công phu, tỷ mỉ với yêu cầu đầu tư thời gian thoả đáng.

Hai là, giải quyết hài hoà hơn mối quan hệ giữa truyền thống  hiện đại. Mỗi bước tiến của nền văn minh đều kéo con người ra xa hơn đối với những giá trị truyền thống. Mặt khác, sự phát triển của văn minh nhân loại luôn đòi hỏi phải được duy trì như một dòng chảy lịch sử- tự nhiên, trong đó, cái hiện đại không đứt đoạn, không tách biệt và không đối lập siêu hình với truyền thống. Giáo dục hiện đại phải làm tốt chức năng xây dựng những chủ thể có năng lực di truyền văn hóa, nối truyền thống với hiện đại và đến hiện đại từ truyền thống. Điều đó cần được quán triệt trong cả nội dung tri thức được giảng dạy trong nhà trường cũng như phương thức truyền đạt của giảng viên, phương pháp học tập của sinh viên.

 

Ba là, cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa lâu dài  trước mắt. Việc xác định dạy cái gì và dạy như thế nào để đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và yêu cầu lâu dài vốn là điều hết sức khó khăn đối với giáo dục từ xưa tới nay. Ngày nay, điều đó càng trở nên khó khăn gấp bội, vì khối lượng tri thức nhân loại tăng lên rất nhanh; tuổi đời của mỗi công nghệ ngày càng ngắn ngủi; cơ cầu nghề nghiệp, việc làm biến động nhanh chóng. Nhà trường phải nắm thật chắc mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển đất nước, lấy đó làm căn cứ thực tiễn hàng đầu để hoạch định chương trình giảng dạy, vừa đáp ứng cái cấp bách trước mắt, vừa hướng tới cái cơ bản, lâu dài của dân tộc và thời đại./.

 

"Bài đã được trình bầy tại hội thảo  "Tạo lập giá trị và triết lý giáo dục vì sự phát triển bền vững" do Đại học Quốc tế Bắc Hà tổ chức vào ngày 22/05/2010 vua qua."
about-star