Chất lượng GD ĐH phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp đào tạo!

Tác giả: ĐH Quốc tế Bắc Hà

(Trích đăng từ Số đặc biệt cuối tháng tư, Tạp chí Giáo dục và Thời đại.)

Năm 1960, Huỳnh Hữu Tuệ là một trong số những SV xuất sắc được học bổng du học tại Canada. Sau thời gian học ĐH Laval- Canada, với kết quả học tập tốt, Huỳnh Hữu Tuệ đã được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh, đồng thời làm giảng viên tại trường. Năm 1968, kết thúc khóa học, Huỳnh Hữu Tuệ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về viễn thông. Đến năm 1972, hoàn tất thêm luận án TSKH về chuyên ngành Xử lý thông tin. Năm 1981, ông được phong hàm Giáo sư. Tiếng tăm về vị TSKH Canada gốc Việt khi ấy đã làm không ít nhà khoa học thế giới nể phục.

Tháng 6-2005, GS Tuệ đã quyết định bỏ lại mức lương 10.000 USD/tháng ở Canada để về nước, được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin, một bộ môn mới của khoa Điện tử Viễn thông, trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Năm 2007, ông đồng ý nhận lời về làm hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Bắc Hà. Trong cuộc trò chuyện với GD&TĐ về vấn đề chất lượng GD ĐH hiện nay, GS Huỳnh Hữu Tuệ nói luôn: “Đào tạo ở cấp ĐH, thay đổi được cách giảng dạy và học tập, thì tôi đảm bảo SV Việt Nam không thua kém bất cứ SV nước ngoài nào”.

3 tiêu chí, 3 điều kiện, 2 vấn đề của GD ĐH

* Được biết ông đã từng có thời gian làm việc tại nước ngoài trong lĩnh vực GD ĐH, nay về nước để quản lý điều hành một trường ĐH, với sự đánh giá của mình, ông nhìn nhận về chất lượng GD ĐH Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Nói chung, ngay cả những nước ở châu Á, bây giờ người ta hướng theo phương pháp đào tạo về quan điểm GD của các nước phát triển, là hệ thống GD phải đào tạo được ra con người toàn diện, trong đó có 3 tiêu chí quan trọng: phải có bản lĩnh; có trách nhiệm với bản thân, với xã hội; có chuyên môn.

Trong quá khứ, GD ĐH Việt Nam chú trọng 2 điểm: đạo lý làm người và kiến thức kinh điển của con người. Ngày nay, trong GD ĐH của ta, chủ yếu đào tạo ra những con người với kiến thức sách vở, không cần tư duy, không cần suy nghĩ. Cho nên phần đông sản phẩm của hệ thống GD ĐH hiện nay là thụ động, không có sức mạnh tư duy độc lập. Mà muốn tư duy độc lập thì phải đào tạo bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và đào tạo khả năng tổng hợp kiến thức. Có 3 điều này thì mới có tư duy độc lập – đặc trưng hàng đầu của một hệ thống GD.

* Theo ông, lý do gì khiến GD ĐH của Việt Nam chưa thực hiện được điều này?

- Theo tôi, muốn thực hiện được phải có 3 điều kiện: Có môi trường GD, có đội ngũ cán bộ, có phương pháp đào tạo.

Về môi trường, tôi xin ví dụ rất đơn giản thế này: Những giảng viên ĐH có được 1 cái bàn để ngồi làm việc trong trường một cách chính thức 8 tiếng/ ngày không? Những giảng viên ĐH có được thu nhập từ việc họ làm cho nhà trưởng đủ để có được một cuộc sống gia đình tươm tất không? Mới nói đến những cái rất nhỏ này thôi, đã thấy để có một môi trường thích hợp là cực khó đạt rồi.

Tiếp theo, đội ngũ giảng viên của mình là ai? Cứ đọc các thống kê sẽ thấy ngay, đại trà là thạc sĩ, còn tiến sĩ – những người được đào tạo qua nghiên cứu thì thiểu số. Tại sao ở những nước phát triển, người ta yêu cầu giảng viên ĐH phải là tiến sĩ? Mà đó không phải là vì bằng cấp đâu, đó là cả một quá trình đào tạo con người trở thành một nhà trí thức, có kiến thức và có suy nghĩ tư duy độc lập. Chưa chắc những tiến sĩ này có tính sáng tạo cao, nhưng chắc chắn họ có đủ bản lĩnh và kiến thức để phản biện những vấn đề mà họ quan tâm. Trong GD ĐH, muốn chương trình giảng dạy có chất lượng, thì người giảng viên phải nắm thật kỹ những vấn đề mà mình có trách nhiệm giảng dạy, tức là yêu cầu 1 thì phải nắm được 10. Bây giờ giảng viên vừa tốt nghiệp thạc sĩ thì dù có xuất sắc thế nào đi nữa, chưa qua được quá trình đào tạo để trở thành một nhà trí thức độc lập, thì lúc dạy học sẽ chỉ dạy những gì mình hiểu được từ sách vở chứ không nói được những gì của cá nhân. Đội ngũ giảng viên đã thế, nói chi đến phương pháp đào tạo.

Tất cả những chuyện xảy ra ngày hôm nay, nó vừa khách quan vừa chủ quan. Bây giờ có sốt ruột, muốn thay đổi thì cũng không thể ngày một ngày hai mà đổi được.

* Thưa ông, nhận định như vậy về chất lượng GD ĐH Việt Nam có bi quan quá không?

- Không hề bi quan, mà là khách quan! Mấu chốt chính là ta không nên quá tham vọng. Trong việc tổ chức lại hệ thống GD ĐH, cần xem là điểm nào chính, điểm nào phụ. Tôi thấy có 2 điểm chính là điều kiện cơ sở vật chất và quyền tự chủ của mỗi cá nhân trong hệ thống GD.

* Vậy nên hiểu về quyền tự chủ của mỗi cá nhân trong hệ thống là như thế nào?

- Nó là tự chủ tinh thần: Tất cả con người trong hệ thống GD ĐH đều có quyền quyết định, có quyền phản biện, đương nhiên những quyết định, phản biện này phải nằm trong “khung” do pháp luật quy định.

Tuy nhiên, xét về mặt nào đó, những khao khát về tự chủ tài chính, tự chủ tổ chức quản lý cán bộ, tự chủ về tuyển sinh… những vấn đề mà nhiều trường ĐH Việt Nam hiện nay đang đặt ra, cũng đã phần nào thể hiện tinh thần tự chủ này.

* Quay trở lại vấn đề chất lượng GD ĐH, theo ông, với những thực trạng mà ông đã nêu, việc GD ĐH Việt Nam phấn đấu có trường ĐH đẳng cấp quốc tế có xa vời không?

- Về thực chất, tôi cho rằng có 2 điểm để một ĐH được xem là có đẳng cấp quốc tế: 1– Những bằng cấp được thế giới chấp nhận. 2– Những công trình khoa học được thế giới công nhận giá trị và sử dụng. Chỉ cần 2 điều này thôi. Nhưng cái khó là muốn đạt được thì phải làm như thế nào? Tôi nghĩ là điều này là cực khó.

Cụ thể hơn, hãy xem người ta sắp hạng các trường ĐH như thế nào, họ có các tiêu chí: số diện tích mà mỗi SV có quyền sử dụng về cơ sở vật chất, số diện tích mà một giảng viên có quyền sử dụng về cơ sở vật chất, số đầu sách trong thư viện, số công trình nghiên cứu khoa học được công bố, số vốn đầu tư cho hoạt động cơ sở, vốn đầu tư cho nghiên cứu,  ảnh hưởng của sinh viên tốt nghiệp trong các doanh nghiệp, trong xã hội… cứ mỗi tiêu chí lại cho một số điểm. Cuối cùng cộng tổng lại, sắp thứ tự các trường từ cao đến thấp.

Nếu sắp hạng như vậy thì các trường ĐH Việt Nam bó tay. Nhưng ngược lại nếu xét về mặt thực chất, thì bằng cấp của ĐH Việt Nam hiện cũng ngang tầm quốc tế đấy chứ. Một SV giỏi ở Việt Nam, tốt nghiệp xong có thể đi khắp thế giới để xin học tiếp. Một SV của ta học hai năm tại Việt Nam, sau đó tiếp tục học tại nước ngoài và được công nhận bằng cấp 2 năm học trước đó. Bên cạnh đó, có một số công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam được quốc tế công nhận và sử dụng.

Vậy nếu xét về thực chất, ta nào có kém ai đâu! Chỉ tiếc là con số này nhỏ quá, hầu như không đáng kể!  GD ĐH Việt Nam chỉ có hai vấn đề thôi: Ngân sách và phương pháp đào tạo. Chấm hết!

 SV nhác, bắt phải học!

* Có thể thấy rõ ông trăn trở nhất về GD ĐH Việt Nam chính là về phương pháp đào tạo. Vậy với cương vị là quản lý của trường ĐH quốc tế Bắc Hà, ông làm thế nào để sản phẩm đầu ra của nhà trường sẽ là những con người có tư duy độc lập?

- Đào tạo chất lượng là nói đến nội dung và phương pháp đào tạo. Trong phương pháp đào tạo cần xây dựng môi trường học tập, trong đó, con người có đủ điểu kiện để phát huy khả năng cá nhân. Nói đến phương pháp đào tạo là nói đến cả trách nhiệm của giảng viên lẫn sinh viên. Mục tiêu hàng đầu của phương pháp đào tạo vừa nhắm đến mục tiêu của môn học vừa nhắm đến mục tiêu nâng cao chất lượng học tập, có nghĩa là làm thế nào để SV phải biết tự học. SV không chịu học thì phương pháp nào rồi cũng thế.

Với ĐH quốc tế Bắc Hà, chúng tôi luôn chú ý đến 2 điều này. Về cơ sở vật chất, hiện nhà trường ở đây là 3000m2 chỉ dùng để phục vụ 600 SV. Mà cơ sở vật chất không chỉ có không gian là đủ, trong cơ sở vật chất còn là điều kiện ánh sáng, điều kiện bàn ghế, điều kiện máy móc, thư viện, … tất cả những cái này phải tạo ra được bối cảnh để làm cho SV thấy thích học.

Rồi còn môi trường GD và tâm lý. Chúng tôi chọn giảng viên cơ hữu theo 3 tiêu chí: Bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, chuyên môn. Không được lật lại 3 tiêu chí này. Có bản lĩnh thì mới dám làm việc chưa ai làm. Có tinh thần trách nhiệm để chấp nhận vị trí của mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chuyên môn để phát huy môi trường đào tạo của nhà trường. Cho đến ngày hôm nay, tôi có thể khẳng định cán bộ cả cơ hữu và thỉnh giảng của nhà trường đều có đầy đủ 3 tiêu chí trên.

Hiện đầu vào của nhà trường chưa được cao. Lý do thì khá rõ rồi: SV thuộc dạng xuất sắc thì không vào ĐH tư thục mà vào những ĐH công lập đã có tiếng tăm. Đây là điều hiển nhiên. Chưa kể đến phần đông SV là cậu ấm cô chiêu, ham chơi hơn là ham học. Phần vì học phí của trường phải cao; để đảm bảo được những điều kiện chất lượng GD ĐH thì học phí không thể bình thường được.

* Như ông đã nói, nhà trường có cơ sở vật chất, có đội ngũ GV, nhưng đầu vào của ta thấp thì cũng rất khó khẳng định chất lượng GD ĐH của nhà trường.

- Ngay từ đầu, cũng có nhiều ý kiến e ngại này nọ. Nhưng tôi lại thấy khác. Tôi cho rằng nếu đã là SV giỏi, SV  ham học thì họ không cần mình quan tâm nhiều. Đây là ta nói đến việc thay đổi tâm lý học tập của SV trung bình. Tôi quan điểm là bắt SV trong trường phải học, không học không được, phải học. Nhưng khi học có kết quả rồi, bỗng nhiên thấy: À, học cũng không đến nỗi nào, và làm cho các em SV có trách nhiệm hơn trong việc học tập. Lúc đó, nhà trường không cần phải tác động nhiều vào nữa. Đến một lúc nào đó thì thấy học là vui, học là có lợi ích, không cần là trách nhiệm bắt buộc nữa mà trở thành ham học.

* Nhưng thưa ông, trên thực tế không phải cứ bắt là SV nào cũng học được?

- SV đã vào trường ĐH quốc tế Bắc Hà, đã học, đã thi là bằng chính sức mình chứ không nhờ yếu tố bên ngoài nào khác. Đây là tôn chỉ của nhà trường. Trường không nhận tiền để đổi bằng, trường chỉ chấp nhận và hết sức tạo điều kiện và giúp đỡ những sinh viên có quyết tâm.

Tôi xin khẳng định rằng SV đầu vào tốt nghiệp điểm sàn có thể thành công ở bất cứ trường ĐH nào nếu có quyết tâm. Khi nghe tôi nói vậy, có một số người không đồng ý đâu. Nhưng theo quan sát của tôi, tôi thấy điều này hoàn toàn chính xác.

Cố nhiên những em điểm sàn thì khó để trở thành xuất sắc. Nhưng nếu có quyết tâm thì có thể trở thành trung bình khá hoặc khá. Và những em này muốn vậy phải học từ 30 giờ - 50 giờ/tuần.

* Đòi hỏi quyết tâm, đòi hỏi việc SV phải tự học… ông có sợ sẽ làm hẹp đi cánh cửa đầu vào của trường mình không? Bởi tâm lý hiện nay, các cậu ấm cô chiêu sẽ chọn trường tư khác, thay vì vào trường của ông?

- Ý này HĐQT của trường có bàn tới. Nhưng tôi nghĩ nếu đã quyết tâm làm trường ĐH chất lượng cao thì thị phần của mình không phải là thị phần của những trường ĐH tư thục bình thường. Nếu trong xã hội có 100 người muốn vào ĐH, có 80 người nghĩ như trên, thì vẫn còn 20 người gia đình nghiêm túc với việc học, muốn con em mình trở thành người thật sự có ích cho xã hội. Và tôi đảm bảo rằng khá nhiều trong 20 người này chắc chắn sẽ vào trường Bắc Hà. Bởi nếu được đào tạo quy củ, trong bất kỳ tình huống nào, khi sau khi tốt nghiệp, họ sẽ thành công trong cuộc sống. Không phải là triệu phú thì ít nhất họ cũng sẽ đảm bảo được tương lai của bản thân và gia đình mà không cần quỵ lụy ai.

Cái “thoáng” của trường chúng tôi là SV được tự do suy nghĩ, có quyền phản biện lại tất cả những điều từ GV đến hiệu trưởng nói. Và sau 2 năm đi vào hoạt động, đã có nhiều nhận xét rằng phần lớn SV của trường rất tự tin. Nếu các em SV đã có quyết tâm, trường sẽ tìm đủ mọi cách để tạo điều kiện cho các em học tập. Chúng tôi xây dựng môi trường đào tạo trong đó SV là mục tiêu tối hậu.

Các nước phát triển họ có kết luận thế này, mà áp dụng vào Việt Nam cũng đúng phần nào, đó là chất lượng đầu ra phụ thuộc chủ yếu ở chất lượng đầu vào. Đây là nói về những trường ĐH hàng đầu thế giới. Còn những ĐH cỡ trung bình, theo tôi không phải như vậy. Với những SV trung bình, nếu có phương pháp đào tạo, họ vẫn sẽ thành đạt và có bản lĩnh đối mặt với tất cả mọi tình huống trong cuộc sống.

Bản lĩnh của một trường ĐH

* Theo ông, bản lĩnh của một trường ĐH thì sẽ thể hiện ở điểm nào?

- Tôi thấy rằng các trường ĐH công có uy tín lớn ở Việt Nam, số SV xuất sắc cũng là nhỏ giọt mà thôi, mà cái xuất sắc đó không phải do hệ thống, mà tự thân các SV đó đã xuất sắc rồi, không phải nhờ trường ĐH. Còn nếu một trường ĐH nào mà biến một em từ trung bình thành trung bình khá, thành khá thì đó mới chính là một trường ĐH có chất lượng GD cao, một trường ĐH có bản lĩnh.

Với trình độ đầu vào của SV của trường Bắc Hà là trung bình, tôi cho rằng có khoảng 50% không cần tác động gì cũng thừa sức tốt nghiệp. 30% các em SV có quyết tâm, trường sẽ tạo điều kiện cho các em này thành công. Còn uy tín của nhà trường phụ thuộc vào nhóm gần 20% số SV cuối cùng. Nhóm này vừa yếu vừa nhác, bây giờ làm thế nào để số SV bị loại khỏi hệ thống chỉ còn 10% , thì xem như nhà trường đã thành công.

* Vậy có thể khẳng định chất lượng GD của một trường ĐH phụ thuộc vào môi trường và phương pháp đào tạo?

- Đúng vậy!

* Theo đánh giá của ông thì hiện nay tại Việt Nam, có những trường ĐH nào có môi trường và phương pháp đào tạo tốt?

- Khó mà có trường nào! Đa số GV của ta (cả công lẫn tư) toàn đi chạy show, vậy lấy đâu ra thời gian, tâm huyết để đầu tư cho phương pháp. Tôi đã từng nghe một đồng nghiệp của tôi nói rằng có lúc anh giảng 1 ngày 15 tiết. Tôi 1 tuần giảng 15 tiết còn không đủ sức nữa là...

* Ông có nhận thấy rằng do ông đang quản lý một trường ĐH tư thục nên được “rộng chân rộng tay” để thực hiện những ý tưởng mới, phương pháp đào tạo mới, môi trường lý tưởng cho một trường ĐH mà không phải đắn đo lắm về chuyện ngân sách không?

- Những người sáng lập nhà trường và bộ máy quản lý đều có một quyết tâm chính trị rất lớn đó là thực hiện cho bằng được mục tiêu xây dựng một trường ĐH có chất lượng cao. Còn về vấn đề ngân sách, may mắn là hiện tôi chưa lâm vào cảnh bị cột hầu bao! Nhưng dù gì thì ngân sách của một trường tư cũng do các cổ đông đóng góp. Dù ít dù nhiều cũng có cái sốt ruột về cổ tức, vì không may là trường không tuyển đủ chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao cho! Hiện SV của trường mới là 600, trong khi chi phí chi cho những mục tiêu đặt ra thì rất nhiều. Nhưng khi nhìn lại chất lượng SV của ĐH quốc tế Bắc Hà, các cổ đông đều thấy hài lòng và thấy rằng nhà trường đã đi đúng hướng.

* Ông có nghĩ rằng SV của ta 2 năm nữa mới ra trường, mà bây giờ đã khẳng định chất lượng thì có là hơi sớm không?

- Theo tôi, để khẳng định là chất lượng hay không thì là con đường dài chứ không phải chỉ cân đong đo đếm để 6 tháng hay 1 năm mà nói được. Nhưng hiện giờ tôi rất tự tin. Hy vọng là thành công.

* Thưa ông, với tâm lý hiện nay trong xã hội là vẫn chuộng trường ĐH công hơn ĐH tư, xin hỏi thật rằng có bao giờ ông cảm thấy mình bị yếm thế bởi đang quản lý một trường ĐH tư thục?

- Không hề. Chỉ thỉnh thoảng thấy chản nản là do cơ chế, guồng máy, thành ra đôi lúc  chỉ một vấn đề đơn giản thôi mà sức người có hạn, không vượt qua được. Ví như việc trường có mảnh đất 15 ha ở Bắc Ninh, có sổ đỏ rồi. Nhưng lúc vào san nền ở đó thì  mới phát hiện ra rằng mảnh đất đó không có con đường thích hợp để đi vào. Rồi chạy đông chạy tây, để cuối cùng quyết định là trường phải xây đường, thương thuyết với dân để dùng đất của họ. Và bây giờ thì rất phức tạp. Trên thực tế, từng vấn đề có thể giải quyết, nhưng sức lực và phí tổn bỏ ra thì lớn quá. Nên thỉnh thoảng cũng nản, thế thôi!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! Hy vọng ,sẽ có cơ hội được nói chuyện tiếp với ông về chất lượng GD ĐH Việt Namcũng như chất lượng lứa SV đầu tiên tốt nghiệp trường ĐH quốc tế Bắc Hà!

Ngọc Khả Hân (Thực hiện)

about-star