Tổ chức bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ Giảng viên

Bồi dưỡng năng lực Giảng viên là khâu trung tâm trong công tác cán bộ tại Trường. Làm tốt công tác này sẽ góp phần vào việc xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực.

 

Những năm qua, Ban giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ Giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo.

 

Lãnh đạo các cấp đều nhận thức và quán triệt sâu sắc về việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ Giảng viên là một nhiệm vụ trung tâm, có chủ trương, biện pháp phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tổ chức, lực lượng và đội ngũ Giảng viên nắm vững quan điểm, chủ trương, phương châm, phương pháp giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ Nhà giáo, nhất là nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc chăm lo, xây dựng các thế hệ Giảng viên có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực giảng dạy.

 

Nội dung bồi dưỡng toàn diện cả về phẩm chất chính trị, động cơ, trách nhiệm, lòng yêu nghề; bám sát từng môn học, bài học, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của Sinh viên. Chú trọng bồi dưỡng tri thức, phương pháp, kinh nghiệm thực tiễn dạy học ở Nhà trường, nhất là kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm về khoa học chuyên ngành mà Giảng viên đảm nhiệm. Bồi dưỡng kỹ năng thực hành giảng dạy, chú ý việc sử dụng ngôn ngữ, sử dụng các phương tiện dạy học, định hướng cho học viên nghiên cứu tài liệu; kỹ năng tổ chức và điều khiển quá trình làm việc nhóm, đánh giá kết quả thi và kiểm tra…  Việc sử dụng thành thạo và có hiệu quả các trang thiết bị dạy học thông minh là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với đội ngũ Giảng viên. Vì vậy, Nhà trường, Khoa và các bộ môn đều có kế hoạch tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng và phát huy thế mạnh các công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy cho đội ngũ Giảng viên.

 

Hình thức, biện pháp bồi dưỡng phù hợp với tình hình, đặc điểm của Nhà trường, Khoa, bộ môn và cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm. Có thể bồi dưỡng tập trung những vấn đề chung về chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; những yêu cầu, mục tiêu cần đạt được đối với người dạy và người học các môn khoa học cơ bản; định hướng những thông tin cần thiết để Giảng viên nghiên cứu, tham khảo đưa vào giảng dạy. Phát huy vai trò của những Giảng viên nhiều kinh nghiệm để bồi dưỡng cho những Giảng viên trẻ. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ huy Khoa, các bộ môn thường xuyên quản lý, kiểm tra việc tự học tập, tự rèn luyện của mỗi Giảng viên theo kế hoạch đã xác định. Các bộ môn tập trung hướng dẫn soạn giáo án; quy trình, phương pháp chuẩn bị bài giảng; thông qua giáo án; kỹ năng thực hành giảng dạy; vận dụng phương pháp dạy học tích cực. Thực hiện chế độ dự giảng, bình giảng; kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của từng Giảng viên và tổ chức rút kinh nghiệm trong bộ môn; phân công Giảng viên có năng lực, kinh nghiệm kèm cặp giúp đỡ Giảng viên trẻ còn hạn chế về năng lực, phương pháp.

 

Có thể khẳng định, đội ngũ Cán bộ, Giảng viên chính là nhân tố quyết định việc nâng cao chất lượng dạy và học, đóng góp vào sự trưởng thành, phát triển của Nhà trường. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ Cán bộ Giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới là công việc quan trọng, đã và đang được thực hiện thường xuyên tại Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà.

about-star

    Tin cùng loại

about-star