Lưới điện thông minh tại trạm biến áp hạ áp

Tác giả: ĐH Quốc tế Bắc Hà

HIỆN TRẠNG, THÁCH THỨC VÀ TRIỂN VỌNG Ở VIỆT NAM
SMART GRID AT LOWER VOLTAGE SUBSTATION:
SITUATION, CHALLENGES AND PROSPECTS IN VIETNAM 

1) Đại học Điện lực, (2)Công ty Điện lực Cầu giấy, (3)Đại học Quốc tế Bắc Hà
Tóm tắtLưới điện thông minh tại Trạm biến áp hạ áp cần phải thỏa mãn các tiêu chí nhất định theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đạt được điều đó lưới điện thông minh này cần phải được trang bị một cơ cơ sở hạ tầng hiện đại, các thiết bị điều khiển và phần mềm tương thích. Các bộ  phận này được tích hợp trong hệ thống điều khiển SCADA cho toàn lưới. Trên cơ sở tiếp cận thực tế, đối chiếu với các vấn đề nêu trên, bài báo phân tích hiện trạng, các thử thách và triển vọng phát triển lưới thông minh tại các Trạm biến áp hạ áp ở Việt nam.
Từ khóa: lưới điện thông minh, trạm biến áp hạ áp, thiết bị điều khiển, phần mềm, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu, tiêu chuẩn  của IEC
Abstract: Smart grid at low voltage substation must satisfy established criteria related to international standards. In order to achieve this conditions, smart grid must be equipped a modern infrastructure, control devices and compatible software. They are integrated into SCADA control for all grid. Based on practical access, comparison with above problems, the paper analyzes the situation, the challenges and prospects for development of Smart grid at the lower voltage substations in Vietnam.
Keyword: smart grid, low voltage substation, control devices, software, Supervisory Control And Data Acquisition SCADA, criteria IEC
1. BÀI TOÁN LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH TẠI CÁC TRẠM BIẾN ÁP HẠ ÁP
     Sự hình thành và phát triển lưới điện thông minh cho các lưới điện truyền tài, lưới điện phân phối, lưới điện hạ thế là xu hướng tất yếu trên thế giới và ở Việt nam bởi chúng đem lại hiệu quả sử dụng điện và tiết kiệm năng lượng.
     Lưới điện hạ thế tại các trạm biến áp (TBA) hạ áp 35,22,10/0,4 kV cấp điện trực tiếp cho các hộ tiêu thụ, phía hạ áp bao gồm Aptomat tổng và các Aptomat đầu các lộ đường dây  xuất tuyến là loại có các nút cắt tức thời có nhiệm vụ bảo vệ quá tải có thời gian và bảo vệ ngắn mạch cắt tức thời, không có điều khiển từ xa, thao tác bằng tay. Khi sự cố bất cứ điểm nào trên lưới đều dẫn đến mất điện diện rộng. Việc khôi phục để có điện trở lại do nhân viện đến tận TBA thao tác, thời gian mất điện bị kéo dài. Ngoài ra, tại các TBA này chưa quản lý được nhu cầu phụ tải điện, độ lệch tải giữa các pha còn lớn, phần lớn bù công suất phản kháng không có hoặc có thì cũng chưa thích hợp. Việc thông minh hóa chúng cho phép sự tương tác giữa các hộ sử dụng điện với lưới điện, khả năng điều khiển từ xa và tự động hóa điều khiển tạo điều kiện quản lý sử dụng điện, san bằng đồ thị phụ tải, giảm chi phí đầu tư phát triển công suất trạm biến áp.
     Vấn đề đặt ra là hiểu thế nào để một lưới điện tại TBA đạt chuẩn thông minh? Điều này đã được đề cập trong [1], lưới điện thông minh tại đây phải đạt được các tiêu chí như sau:
  1) Hệ thống đo lường và giám sát tự động các thông số điện như điện áp, dòng điện (công suất), hệ số  ,tần số, điện năng tiêu thụ,… ;
  2) Điều khiển hệ thống đóng/cắt từ xa;
  3) Bù tự động công suất phản kháng để bảo đảm hệ số công suất   và điện áp ;
  4) Tự động cân bằng giá trị dòng điện các pha;
  5) Phân vùng sự cố và loại bỏ vùng cục bộ, đảm bảo không bị mất điện diện rộng khi sự cố;
  6) Quản lý nhu cầu phụ tải nhằm san bằng đồ thị phụ tải;
  7) Tích hợp nguồn điện phân tán (Pin mặt trời, Tua bin gió, Máy máy phát điện diesel) trong lưới điện;
  8) Vận hành hệ thống kết hợp với các nguồn dự phòng.
  Các tiêu chí trên được thực hiện một khi cấu trúc lưới điện ngoài máy biến áp, các đường dây tải điện cần có ba bộ phân cấu thành, đó là:
  Một là, cơ sở hạ tầng bao gồm các lưới điện, các thiết bị đóng cắt, công tơ điện, các thiết bị đo đếm,… loại hiện đại có điều khiển từ xa và có truyền tin hai chiều giữa chúng;
  Hai là, các thiết bị điều khiển, các module quản lý phân tán, thiết bị giám sát tại trung tâm điều khiển, contactor, triac,…. cần phải phù hợp với thiết bị điện lực đã lựa chọn, đồng thời phải tương thích những phần mềm giám sát, điều khiển;
  Ba là, các phần mềm ứng dụng có sẵn hay tự lập trình trên cơ sở ngôn ngữ lập trình tương ứng.
  Ba bộ phận nêu trên được tích hợp trong hệ thống điều khiển SCADA cho toàn lưới.
   Các thiết bị và toàn bộ hệ thống này phải đảm bảo các tiêu chuẩn  của IEC [2,3]:  Tiêu chuẩn IEC 61850, IEC 61968/61970, IEC 62351, IEC 60870.
2. LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH TẠI TBA DỊCH VỌNG 22, HÀ NỘI
   Lưới điện thông minh tại TBA Dịch vọng 22 cơ bản đã đạt các tiêu chí của một lưới điện thông minh nêu trên, tuy mới chỉ cải tạo thông minh cho một phần lưới hạ thế. Để có được lưới  điện thông minh này đã phải thay thế bổ sung và trang bị các thiết bị mới, cụ thể như sau:
  1.1. Thiết bị cơ sở hạ tầng
    - Aptomat có điều khiển từ xa: thay thế Aptomat tổng 1600A và 04 Aptomat nhánh 400A tại TBA; Bổ sung thêm 04 Aptomat rẽ nhánh 160A, 02 Aptomat 250A phụ tải Công ty điện lực Cầu giấy (CTDL CG), 01 Aptomat 32A nguồn Diezel, 01 Aptomat 20A nguồn pin mặt trời. Các Aptomat được lắp mô tơ đóng cắt và hệ thống điều khiển để có thể đóng cắt chúng từ xa từ trung tâm điều khiển, có trang bị các tiếp điểm báo trạng thái đóng cắt, tiếp điểm báo lỗi để báo về PLC để hiển thị trên màn hình giao diện điều khiển;
    - Bộ giám sát điện năng PAC 3200, có tính năng kỹ thuật đa dạng, tương đương với các công tơ điện tử hiện đại, được kết nối trực tiếp vào mạng Profibus-DP: thay thế 01 tại Aptomat tổng, bổ sung: 04 tại Aptomat nhánh, 04 tại Aptomat rẽ nhánh, 01 tại phụ tải CTĐL CG. Tại các điểm đặt công tơ có các Biến dòng điện tương ứng hạ dòng điện sơ cấp về 5A.
- Tụ bù công suất phản kháng: thay thế bộ tụ bù cố định bằng bộ tụ bù ba pha nhiều nấc 12x5 kVAR tại thanh cái hạ thế trạm điện. Điều khiển từ xa đưa từng nấc vào vận hành bằng Contactor.
  1.2.Thiết bị điều khiển
   - Các bộ động cơ đóng cắt-Contactor cho Aptomat: mỗi Aptomat có 01 bộ;
   - Card kết nối thiết bị đo đếm PAC 3200 với hệ thống truyền thông Profibus với chuẩn sử dụng RS485 : 01 tại Phòng điều khiển, 01 tải tủ điều khiển phụ tải CTĐL CG, 05 tại tủ điều khiển TBA, 04 tại các hộp điều khiển phụ tải đường dây;
   - Thiết bị quản lý phân tán ET200 tại các tủ điều khiển (01 tại TBA, 02 tại phụ tải đường dây): gom các thiết bị trường gần nhau lại với nhau, lặp tín hiệu cho mạng;
   - Bộ vi xử lý PLC S7300  tủ điều  khiển trung tâm: nhận tín hiệu đo lường  thông qua  mạng Profibus và cầu đấu nối cho thiết bị vào ra. Tại đây còn có nguồn điện dự phòng UPS, nhằm đảm bảo cho điểu khiển liên tục, ngay cả khi mất điện lưới;
   - 04 bộ tự động chuyển phụ tải,  mỗi  bộ  có 2 Triac  loại 100A  đảm  bảo thời gian mất điện khi
chuyển phụ tải pha không quá 20ms, hộ tiêu thụ điện không bị cảm giác mất điện;
    - Đường truyền tin: cáp Profibus DP 600m với 15 rắc cắm và 01 bộ lặp mạng;
    - Các thiết khác: thẻ nhở, 04 bộ nguồn 24VDC/5A (04 bộ), 04 bộ UPS 1 kVA,bộ), 06 Modul số đầu vào/ra,  Rơle trung gian,…
   1.3.Phòng điều khiển trung tâm
Máy tính, có cài phần mềm WinCC, có thể điều khiển giám sát hệ thống trạm điện từ xa một các trực quan, hiển thị các thông số của các trạm điện và đưa ra các cảnh bảo về hệ thống. Trên máy tính này còn cho phép ta lưu trữ các dữ liệu của trạm điện, xuất ra các báo cáo qua một máy in luôn được kết nối với máy tính. 
Bộ điều khiển trung tâm: toàn bộ hệ thống được điều khiển bởi một PLC S7-300, đặt tại tủ điều khiển trung tâm,  kết nối với các trạm khác thông qua các module ET200 qua mạng Profibus-DP. Trên mỗi trạm ET200 này có các module vào ra số (DI/DO) để thu thập các tín hiệu và điều khiển các thiết bị của trạm điện. Điều khiển toàn bộ lưới điện thông minh qua các giao diện trên màn hình máy tính.
Các khối thiết bị cùng phần mềm điều khiển cùng chung trong một hệ thống điều khiển thống nhất SCADA như trên hình 1. Đường truyền tin sử dụng cáp profibus.

                                                                             Hình 1. Hệ thống SCADA lưới điện TBA Dịch vọng 22

Các thiết bị được phân bố trong 04 khối:
    - Khối điều khiển đóng cắt, giám sát điện năng, tự động bù công suất phản kháng tại TBA;
    - Khối điều khiển phụ tải đường dây: điều khiển Aptomat rẽ nhánh, điều khiển tự động chuyển phụ tải pha;
    - Khối điều khiển nguồn cấp cho phụ tải CTĐL CG và nguồn điện phân tán (pin mặt trời, máy phát diesel);
    - Trung tâm điều khiển toàn hệ thống đặt tại CTĐL CG. Tại đây có thể giám sát qua các giao diện trên máy tính có thể thực hiện mọi điều khiển cho toàn lưới.
3. KỲ VỌNG TRIỂN KHAI LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH CHO CÁC TBA HẠ ÁP TỪ LƯỚI ĐIỆN THÔNG MINH TBA DỊCH VỌNG 22
  Việc triển khai các lưới điện TBA hạ áp trở thành lưới điện thông minh gặp nhiều thách thức mà trong yếu là về hai vấn đề: chi phí đầu tư và giải pháp kỹ thuật. Sau đây sẽ phân tích hai vấn đề này.
  3.1. Vấn đề chi phí đầu tư
    Để nâng cấp lưới điện trở lên thông minh cần phải có đầu tư trang thiết bị hiện đại cho cơ sở hạ tầng đáp ứng cho điều khiển thông minh và đầu tư phần điều khiển (thiết bị điều khiển và phần mềm điều khiển tương thích) trong hệ thống SCADA. Ta hãy phân tích tỷ lệ đối với hai phần đầu tư nêu trên, để từ đó đưa ra khả năng triển khai nâng cấp một lưới điện hiện tại trở thành lưới điện thông minh.
    Trước hết xem xét lưới điện TBA Dịch vọng 22 đã được cải tiến tiếp cận với “thông minh”. Tại lưới điện này đã bổ sung và thay thế các thiết bị mới như đã nêu trên với trị giá 1091,407 triệu VNĐ mà đã đề cập khả đầy đủ đến phần TBA (Aptomat tổng và 04 Aptomat xuất tuyến, bộ tự động bù công suất phản kháng), còn phần lưới mới chỉ đề cập được một phần là: 02 lộ đường dây điện thuộc một Aptomat xuất tuyến cùng với  04 bộ tự động chuyển phụ tải pha (tổng toàn lưới có tới 09 lộ); Về phụ tải cũng chỉ đề cập được 04 rẽ nhánh (tổng có rất nhiều rẽ nhánh) và phụ tải CTĐL CG. Nếu đề cập cải tiến thông minh cho toàn lưới, với mọi phụ tải thì vốn đầu tư sẽ tăng lên nhiều.
    Tuy vậy xét về tỷ lệ giữa phần thiết bị cơ sở hạ tầng và phần còn lại theo tính toán [4] thì thiết bị cơ sở hạ tầng đầu tư 404,307 triệu đồng, chiếm 37,04%, còn thiết bị điều khiển là 687,101 triệu đồng, chiếm 62,96%. Riêng thiết bị cơ sở hạ tầng tại chính TBA là 239,989 triệu, chiếm gần 60% vốn thiết bị cơ sở hạ tầng, trong đó vốn các Aptomat có điều khiển từ xa ( một Aptomat tổng và 04 Aptomat nhảnh) là 139,654 triệu, chiếm  gần 60% vốn thiết bị cơ sở hạ tầng tại TBA. Nếu mở rộng thông minh cho lưới nhiều hơn nữa thì phần vốn đầu tư tăng sẽ tập trung ở phần thiết bị cơ sở hạ tầng, chứ phần đầu tư điểu khiển bao gồm các thiết bị điều khiển bổ sung, đường cáp truyền thông và phần mềm sẽ tăng không nhiều. Điều đó thật dễ hiểu bởi vẫn chỉ một phần mềm, vẫn chỉ các thiết bị điều khiển đã có (Card kết nối thiết bị đo đếm PAC 3200 với hệ thống truyền thông, Thiết bị quản lý phân tán ET200, Bộ vi xử lý PLC S7300, Đường truyền tin: cáp Profibus DP, rắc cắm Profibus, các bộ lặp mạng, các bộ UPS 1 kVA, Modul số đầu vào/ra, Rơle trung gian,…) vẫn cho phép sử dụng khi mở rộng phạm vi “thông minh” cho lưới. Cụ thể đối với TBA Dịch vọng 22 để mở rộng “thông minh” tăng vốn cho thiết bị cơ sở hạ tầng thêm khoảng 400 triệu nữa (gấp đôi thiết bị cơ sở hạ tầng đã đầu tư) thì phần tăng vốn cho phần điều khiển sẽ không nhiều, khoảng 100 triệu.
    Qua phân tích trên thấy rằng để triển khai TBA hạ áp cùng lưới điện hạ thế của chúng đạt tiêu chuẩn “lưới thông minh” được thuận tiện là những TBA mà tại đó về thiết bị cơ sở hạ tầng đã được trang bị:
   - Aptomat: cơ bản nhất là loại hiện đại có điều khiển từ xa trạng bị tại TBA (Aptomat tổng và các Aptomat xuất tuyến), sau nữa là tại một số rẽ nhánh lớn từ đường xuất tuyến;
   - Công tơ đo đếm loại hiện đại như: Bộ giám sát điện năng (Công tơ điện tử) PAC 3200, Công tơ điện tử  của Công ty Cổ phần Thiết Bị Điện VI-NA-SI-NO,….) đã được trang bị tại TBA và tại những điểm trọng yếu (hộ tiêu thụ quan trọng, tiêu thụ nhiều điện năng hay tại các rẽ nhánh lớn của xuất tuyến).
 3.2. Vấn đề giải pháp kỹ thuật
   Các giải pháp kỹ thuật để cải tạo một lưới điện TBA hạ thế đạt thông minh với các tiêu chí đã nêu trên, từ kinh nghiệm lưới thông minh tại TBA Dịch vọng 22 không có vấn đề gì lớn, tuy nhiên còn một vấn đề khá nan giải là hệ thống truyền tin về điều kiện  để lắp đặt chúng. Lưới điện hạ thế có cấu trúc rất đa dạng: cáp vặn xoắn định vị trên các cột điện len lỏi trong các đường nội bộ của khu dân cư (khu dân cư cũ), cáp ngầm dưới đất đối với các khu đô thị mới, dây điện nhôm lõi thép bọc vỏ nhựa đối với khu dân ngoại thành. Độ dài dây điện từ TBA tới hộ tiêu thụ cuối xa gần khác nhau từ vài trăm mét đến vài km, thậm chí còn dài hơn nữa. Tất cả điều đó ảnh hưởng rất lớn tới lắp đặt hệ thống truyền tin.
  Kỹ thuật truyền tin khá đa dạng như truyền thông có dây (sử dụng tải ba, sử dụng cáp truyền thông), truyền thông có dây (mạng ZigBee,mạng hình lưới vô tuyến, truyền thông qua mạng di động, mạng truyền tin radio), truyền thông dùng internet. Vấn đề đặt ra là phải chọn truyền thông nào cho lưới điện thông minh.
   Trường hợp tín hiệu nhận chỉ để giám sát, không yêu cầu liên tục như tín hiệu điện năng truyền từ công tơ điện tử về trung tâm phục vụ cho giám sát và làm phiếu thu tiền điện thì dùng truyền tin không dây, sử dụng mạng Internet,... là hoàn toàn hợp lý. Qua khảo sát thực tế cho thấy[4], hiện nay các Công ty Điện lực của Tổng công ty Điện lực Hà nội sử dụng hệ thống thu thập tự động chỉ số công tơ từ xa (ARMS) như trên hình 2 là hợp lý. Phần mềm quản lý hệ thống đo đếm dưới dạng cây thư mục, từ cấp Tổng công ty, các Công ty điện lực, các trạm biến áp, các bộ thu thập dữ liêu DCU (Data Collection Unit) và công tơ 3 pha giao tiếp GPRS. Các khách hàng sử dụng điện dùng công tơ điện tử giao tiếp PLC.

                                                      Hình 2.  Hệ thống thu thập tự động chỉ số công tơ từ xa

Trường hợp tín hiệu truyền về trung tâm điều khiển, sau đó qua chương trình phần mềm cài đặt sẵn thực hiện tính toán và tín hiệu phản hồi trở lại điều khiển thiết bị như đóng cắt Aptomat, đóng bộ tụ bù công suất phản kháng, chuyển tự động phụ tải pha yêu cầu tín hiệu truyền nhanh, chính xác, tuyệt đối không bị gián đoạn. Nếu không được như vậy, sẽ không tác động kịp thời, tác động nhầm sẽ dẫn đến hậu quả thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Trong bối cảnh lưới điện hạ thế hiện nay là chúng len lỏi trong các ngôi nhà, đặc biệt các ngôi nhà cao tầng, siêu cao tầng và được bố trí cùng với  các đường dây bưu điện,… Các ngôi nhà cao tầng gây chắn và làm nhiễu rất mạnh đến tín hiệu truyền đối với đường truyền tin không dây, còn dây điện  “đồng hành” cùng dây truyền tin sẽ gây rất nhiễu rất lớn cho hệ truyền tin, dẫn đến không đảm bảo độ tin cậy cho truyền tin: tin bị sai, bị gián đoạn, thậm chí tin không truyền về trung tâm được. Do vậy khi đó sử dụng hệ truyền thông có dây là hợp lý hơn và phải có vỏ bọc chống nhiễu. Lưới thông minh tại TBA Dịch vọng 22 đã sử dụng hệ truyền thông có dây, để phù hợp với phần mềm WINCC đã dùng cáp Profibus là hoàn toàn hợp lý.
   Trong cáp truyền thông có dây tốt hơn cả là dùng cáp profibus và cáp quang.
   Cáp truyền tin profilbus sử dụng loại cáp đồng 2 dây có lớp chống nhiễu, với độ dài mỗi đoạn khác nhau sẽ cho tốc đồ truyền tương ứng (1000 m - tốc độ truyền 187.5 kbps, 400 m- 500 kbps, 200 m - 1,5 Mbps, 100 m – 3; 6 và 12 Mbps), số bộ reapeater tối đa 9, số nút mạng tối đa 32.
    Với mục đích mở rộng quy mô lưới điện thông minh cho nhiều TBA  việc bị giới hạn về khoảng cách giữa các nút mạng sẽ là một hạn chế lớn. Để giải quyết vấn đề về khoảng cách đường truyền cho mạng Profibus ta có thể sử dụng giải pháp kết hợp mạng Profibus trên nền đường truyền RS485 với mạng Profibus trên nền đường truyền sử dụng cáp quang.
    Mạng Profibus có thể được sử dụng đường truyền mạng cáp quang. Hãng Siemens đã phát triển đầy đủ các thiết bị phần cứng đáp ứng nhu cầu này. Trong các thiết bị để hỗ trợ kết nối mạng Profibus sử dụng cáp quang của Siemens, nổi bật và thông dụng nhất là thiết bị OLMs (hình 3). Với các module OLMs, chiều dài tối đa có thể đạt được có thể lên đến 15km, tốc độ truyền tối đa 12Mbps.

                                                         Hình 3Thiết bị hỗ trợ kết nối OLM mạng Profibus sử dụng cáp quang

 Bên cạnh việc hỗ trợ khoảng các truyền xa, module OLM có thể kết hợp với mạng RS485 theo nhiều cấu trúc mạng khác nhau như cấu trúc mạng nối tiếp, cấu trúc mạng hình sao, cấu trúc mạng mạch vòng.
   Với cấu trúc truyền thông phân tích nêu trên, điều khiển lưới điện thông minh tương thích hơn cả là phần mềm SIMATIC WinCC. Đây  là một chương trình phần mềm HMI (Human Machine Interface – Giao diện người máy) cho người điều khiển và giám sát các quá trình tự động trong các ngành công nghiệp máy sản xuất, nhà máy-kỹ thuật. Phần mềm có khả năng mở rộng và tích hợp cao với các hệ thống tự động hoá bên dưới. Sử dụng cấu trúc Client – Server thông qua mạng nội bộ cũng như Internet, Wincc có thể đáp ứng mọi quy mô từ nhỏ đến lớn của hệ thống tự động hoá. WinCC hỗ trợ nhiều dạng hiển thị, từ dạng số liệu, đồ thị, hình ảnh… đồng thời khẳ năng phân quyền điều khiển giúp cho công việc vận hành hệ thống được thuận lợi và trực quan.
 3.3. Triển khai lưới điện thông minh lưới hạ thế cho TBA nào là khả dĩ
   Qua phân tích nêu trên có thể hướng tới mở rộng triên khai lưới thông minh hạ thế cho các TBA như sau:
   - Xét về điều kiện đầu tư nên ưu tiên triển khai tại các TBA đã trang bị các Aptomat tổng và Aptomat xuất tuyến tại trạm loại hiện đại có điều khiển từ xa và tốt hơn nữa là có cả trang bị Aptomat hiện đại này tại các lộ rẽ nhánh lớn từ các lộ xuất tuyên, đã trang bị các công tơ điện  (tại TBA) loại hiện đại kỹ thuật số;
   - Xét về điều kiện kỹ thuật mà chủ yếu là rải cáp truyền tin thì nên ưu tiên các TBA cấp cho các phụ tải tập trung, khoảng cách cấp điện ngắn như các tòa nhà chung cư hay cơ quan quy mô lớn.
   Xét cả điều kiện vốn và kỹ thuật thì ưu tiên triển khai cho các lưới hạ thế của TBA khách hàng có mức tiêu thụ điện lớn, có các cơ sở hạ tầng đủ điều kiện cho triển khai lưới điện thông minh.
   - Cũng cân nhấn mạnh thêm rằng muôn triển khai lưới điện hạ thế thông minh được thuận tiện nên phân tích, cân nhắc lựa chọn thống nhất phần điều khiển và phần mêm tương thích để phổ cập cho toàn quốc.
4. KẾT LUẬN
  1) Lưới điện tại TBA Dịch vọng 22 cơ bản thể hiện các tiêu chí về lưới điện thông minh, là một minh chứng cho việc triển khai các TBA hạ thế khác trở thành thông minh.
  2) Triển khai lưới điện thông minh cho các TBA hạ thế ở những nơi đã được trang cơ sở hạ tầng là cơ bản (Aptomat loại điều khiển từ xa, công tơ đo đếm hiện đại,…). Đó là một số TBA khách hàng, có mức tiêu thụ điện lớn, đặc biệt lưới điện hạ thế nằm trong tòa nhà hiện đại.
  3) Hệ thống truyền thông trong SCADA của lưới điện thông minh nên dùng hệ có dây, mà tiện ích hơn cả là  mạng Profibus, mạng Profibus sử dụng cáp quang cùng phần mềm điều khiển WinCC. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Báo cáo tổng hợp kế quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng các giải pháp hợp lý áp dụng cho lưới diên phân phối Việt nam đạt tiêu chuẩn lưới điện thông minh”, mã số KC.05.12/11-15, chủ nhiệm đề tài PGS-TS Phạm Văn Hòa, Hà nội 2015.
[2] Tiêu chuẩn IEC 61850 -1,2 và 3 “Quy định các tiêu chuẩn về hệ thống mạng truyền thông trong các trạm biến áp”.
[3]Tiêu chuẩn IEC 61850 -4,5,6,7,8,9 và 10 “Quy định các tiêu chuẩn về hệ thống mạng truyền thông phục vụ tự động hóa hệ thống điện”; Tiêu chuẩn IEC 61968/61970 “Mô hình thông tin chung”; Tiêu chuẩn IEC 62351 “An toàn thông tin trong vận hành và điều khiển hệ thống điện”; Tiêu chuẩn IEC 60870 “Quy định yêu cầu của hệ thống điện điều khiển từ xa”.
[4] Hoàng Cao Nguyên “Nghiên cứu khả năng triển khai ứng dụng lưới điện hạ áp thông minh cho các trạm biến áp hạ áp khu vực Hà nội”, luận văn thạc sỹ kỹ thuật điện, Hà nội 2016
GIỚI THIỆU TÁC GIA
Họ và tên, năm sinh: Phạm Văn Hòa, sinh 15 tháng 8 năm 1953
Học hàm, học vị: Phó giáo sư, Tiến sỹ

about-star
about-star