Đầu tư trực tiếp nước ngoài ( fdi) vào Việt Nam dưới góc độ quản lý kinh tế vĩ mô

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thảo - Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà

Với mục tiêu hướng tới năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh có hiệu quả và bền vững. Chủ trương tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI được thể hiện trong các văn kiện của Đảng. Tại nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã đề ra nhiệm vụ: “… Tăng cường thu hút vốn đầu tư  nước ngoài phấn đấu đạt trên 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm. Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Đặc biệt tại nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định “ Thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những lĩnh vực kinh tế phù hợp với qui hoạch và chiến lước phát triển kinh tế đất nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao…”
          Trong những năm qua vốn FDI đã thực sự trở thành một bộ phận quan trọng góp vào nguồn vốn quốc gia, khu vực kinh tế có vốn FDI đã là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta phải nhìn nhận lại những kết quả thu được trong hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, những hạn chế vướng mắc để có định hướng chính xác về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầy tiềm năng này.
Những kết quả đạt được
*Thứ nhất về mặt kinh tế

  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội tăng trưởng kinh tế

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài - Bộ kế hoạch & đầu tư tỷ trong vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội liên tục gia tăng trong thời gian gần đây và đạt ở mức trên 35%. Vốn FDI đã góp phần thúc đẩy tăng ttrưởng kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn của thời kỳ hậu khủng hoảng song kinh tế Việt Nam được thế giới đánh giá là có triển vọng, riêng giá trị sản xuất công nghiệp trong 4 tháng  năm 2010 đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, cao hơn kế hoạch dự kiến, giá trị ngành dịch vụ tăng 25%, giá trị sản xuất nông lâm thuỷ sản cũng gia tăng tuy còn gặp nhiều khó khăn

  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất đặc biệt trong công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn FDI cao hơn mức tăng trưởng công nghiệp chung của cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này trong 5 năm qua chiếm trung bình 42,5% giá trị sản xuất công nghiệp chung của cả nước. FDI đã góp phần hình thành và phát triển hệ thông khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tương đối đồng bộ và hiện đại, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao hơn.

  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Nói chung trình độ công nghệ của khu vực FDI cao hơn hoặc ngang bằng với công nghệ tiên tiến đã có trong nước và tương đương với các nước trong khu vực. Hầu hết các doanh nghiệp FDI áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, chịu ảnh hưởng của hệ thống quản lý hiện đại của các công ty mẹ.

  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động lan toả đến các thành phần của nền kinh tế tạo động lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng với xu hướng toàn cầu hoá
  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp đáng kể vào Ngân sách Nhà nước và các cân đối vĩ mô

Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam mức đóng góp của khu vực kinh tế này vào ngân sách ngày càng tăng. Trong 3 năm 2006-2008 khu vực kinh tế FDI đã nộp Ngân sách đạt gần 3 tỷUSD, gấp hơn 3 lần thời kỳ 1996-2000 và bằng 140% thời kỳ 2001-2005. Đồng thời FDI còn tác động tích cực đến môi trường cạnh tranh trên thị trường tài chính nội địa và phát triển thị trường tài chính Việt nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ- thị trường ngoại hối, cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế thông qua việc chuyển vốn đầu tư vào Việt nam

  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần giúp Việt nam hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng chính các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam là cầu nối tích cực cho phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước.

*Thứ hai Về mặt xã hội
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần quan trọng trong tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực. Theo nguồn của Bộ Lao động thương binh & xã hội cho biết Tổng số lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1,45 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp khác. Số lao động trong các doanh nghiệp có vốn FDI tăng dần qua các năm với tỷ lệ từ 10-25%
Khu vực kinh tế FDI luôn là nơi hấp dẫn các lực lượng lao động, đặc biệt lao động trẻ có trình độ chuyên môn, thông qua hoạt động của khu vực FDI Việt Nam đã dần hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao, có tác phong công nghiệp hiện đại, có kỷ luật lao động tốt.

  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khuvực và thế giới. Với định hướng mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế “đa phương hoá- đa dạng hoá” Việt Nam đã chủ động  hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư. Thông qua tiếng nói ủng hộ của các Nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh và vị thế của Việt Nam không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn có những hạn chế, vướng mắc sau:
* Còn mất cân đối về ngành nghề và vùng lãnh thổ trong đầu tư
Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra đối với các quốc gia khi gọi vốn FDI. Vì đương nhiên các dự án thường tập trung vào những nơi có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thuận lợi, caca ngành nghề có khả năng sinh lợi cao chi phí thấp. Bởi vậy cần có “ bàn tay can thiệp của Nhà nước” ưu tiên dùng các nguồn vốn khác như ODA, Ngân sách… để đầu tư vào những vùng sâu, vùng xa, địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhằm đảm bảo phát triển hài hoà giữa các vùng miền, ngành nghề.
   *Vẫn tồn tại một số bất cập trong hệ thống chính sách, pháp luật.
          Hệ thống văn bản trong thu hút FDI nói chung và lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế, chưa tạo được hành lang pháp lý, chế tài phù hợp đủ tính răng đe đối với các trường hợp vi phạm, để đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập. Bên cạnh đó các thủ tục có liên quan còn rườm rà, phức tạp đối với các Nhà đầu tư
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương hiện nay còn thiếu chặt chẽ đặc biệt trong hoạch định các qui hoạch phát triển nhằm phát triển hài hoà giữa thu hút vốn đầu tư và bảo vệ môi trường bền vững.
* Cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển
Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện đang quá tải thực sự đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế và của từng doanh nghiệp. Đó là việc cung cấp điện, thông tin liên lạc, Viễn thông, giao thông cảng biển…Cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên quan đến xử lý chất thải, không khí, tiếng ồn, đất đai, hệ sinh thái.. chưa đáp ứng phù hợp sẽ gây tác động xấu đến sức khoẻ cộng đồng và hơn thế nữa Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghiệp cho các nước tiên tiến.
* Bộc lộ sự yếu kém trong chyển giao công nghệ
Nhìn chung máy móc công nghệ được sử dụng trong doanh nghiệp có vốn FDI cao hơn mặt bằng công nghệ cùng ngành, cùng loại sản phẩm tại Việt Nam. Song cá biệt vẫn có nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở trong khâu kiểm tra giám sát nêm đã đưa vào Việt Nam một số máy móc lạc hậu hoặc khai tăng giá trị máy móc, thiết bị (cao hơn giá trung bình của thị trường thế giới) để tăng tỷ lệ vốn góp trong liên doanh với bên Việt Nam.
* Thị trường lao động mất cân đối, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp
 Thiếu nghiêm trong lao động quản lý, lao động kỹ thuật có trình độ cao, lao động  trong lĩnh vực dịch vụ cao cấp (tài chính- ngân hàng- du lịch…) cung cấp cho ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất, dẫn đến tình trạng dòng di chuyển lao động rất lớin giữa các vùng, các ngành, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường lao động và phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc đối với lao động nhập cư như nhà ở, trường học, bệnh viện, cơ sở giao thông…
Ngoài ra tỷ lệ lao động ở Việt nam qua đào tạo ở mức rất thấp, chỉ bằng 1/3 các nước mới nổi, số lao động qua đào tạo nghề chỉ vào khoảng 25%, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp còn thiếu, thể lực chưa đáp ứng yêu cầu lao động của khu vực FDI
*Tranh chấp lao động trong khu vực có vốn FDI chưa được giải quyết kịp thời
Mâu thuẫn phát sinh từ lợi ích kinh tế trong khu vực có vốn FDI thường dẫn đến đình công, hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay cả nước ta xảy ra khoảng gần 2000 cuộc đình công (65% xảy ra tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài). Tính chất của các cuộc đình công là tự phát, không đúng với trình tự và qui định của pháp luật. Sự cố này đã ảnh hưởng không tốt cho mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu hướng tới các lợi ích kinh tế, ít quan tâm đến nhu cầu ổn định công việc của người lao động, họ sẵn sàng sa thải người lao động, xắp xếp lại nhân sự để nâng cao hiệu quả kinh tế, do vậy người lao động ở khu vực FDI có nguy cơ mất việc cao hơn, điều này tạo áp lực lớn cho việc tái giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng tới cung cầu lao động trên thị trường.
* Đầu tư lớn trong các doanh  nghiệp FDI dễ dẫn đến tình trạng môi trường bị suy thoái, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia, những ví dụ lớn, những bài học liên quan đến ô nhiễm môi trường, huỷ hoại các dòng sông gần đây của các công ty đầu tư nước ngoài đã gây xôn xao dư luận, và chúng ta vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này.
    * Năng lực quản lý ngoại hối đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc quản lý không chặt chẽ các dòng vốn nước ngoài ồ ạt  đổ vào khu vực kinh tế FDI khiến cho những tác động tiêu cực gây bất lợi cho kinh tế vĩ mô
          - Dòng vốn nước ngoài đổ vào làm tăng tổng phương tiện thanh toán có nguy cơ tác động tăng lạm phát.
          - Dòng vốn vào nhiều làm cung ngoại tệ trong nước tăng tạo áp lực tăng giá nội tệ, gây bất lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại
Để đạt được mục tiêu tăng cường thu hút FDI và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này nhằm tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách bền vững cần thiết
Thứ nhất: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI
Thứ hai: Sửa đổi một số qui định không còn phù hợp trong các nghị định hướng đẫn thi hành chính sách thuế, tuyển dụng lao động nhằm đảm bảo tính nhất quán về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài mà Việt Nam đã cam kết
Thứ ba: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối và nâng cao năng lực quản lý ngoại hối đối với nguồn FDI, cần thiết xây dựng hệ thống giám sát tài chính hiệu quả
Thứ tư: Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp có vốn FDI
Thứ năm: Cần có sự phối kết hợp chặt giữa các bộ , ngành, địa phương trong xây dựng, qui hoạch phát triển kinh tế, nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI phục vụ cho sự phát triển mang tính hiện đại, bền vững.
Tham gia vào “sân chơi” toàn cầu là cơ hội và điều kiện tốt để có thể tận dụng được các lợi thế tuy rằng thách thức cũng không nhỏ, đòi hỏi mỗi thành viên trong nền kinh tế phải biết tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức, đặc biệt trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI đầy tiềm năng.

about-star
about-star